'
Huế, Việt Nam

[2024] Cẩm nang khám phá các điểm du lịch ở Huế |chi phí| lịch trình

Travel-to-Hue

Lưu ý: Trong một số bài viết, Mai có chèn links tiếp thị liên kết. Khi bạn đặt dịch vụ/ mua hàng ở links đó, bạn không bị thu thêm bất kỳ khoản phí nào. Tuy nhiên, Mai sẽ nhận được 1 khoản hoa hồng nhỏ để duy trì blog này. 

Nhiều người nói Huế buồn lắm! Nên họ chỉ dành 1-2 ngày để thăm quan Huế. Chắc cũng tùy cảm nhận của mỗi người, nhưng Mai rất yêu Huế nên dù có đi Huế 4 ngày nhưng vẫn cảm thấy vẫn chưa đủ.

Huế từng là kinh đô của nước ta nên nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử như Đại Nội Huế, các lăng tẩm ở Huế, vv. Khám phá các điểm du lịch ở Huế không chỉ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức về lịch sử, mà bạn còn có những góc sống ảo vô cùng cổ kính. Ngoài ra, Huế về đêm cũng rất náo nhiệt với nhiều quán bar, phố đi bộ,…nên bạn sẽ không có thời gian để than “chán” đâu.

Bài viết này sẽ là một cuốn cẩm nang chi tiết giúp bạn khám phá các điểm du lịch ở Huế tự túc bao gồm phương tiện di chuyển, thông tin về điểm thăm quan, chi phí du lịch Huế và lịch trình du lịch Huế.

tour-du-lich-hue-3-ngay-2-dem-cac-diem-du-lich-o-hue-di-hue-mua-nao-dep
Du lich Hue

1. Giới thiệu về Huế

Vị trí

Thành phố Huế là khu vực trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở miền Trung của Việt Nam. Thành phố Huế cách Hà Nội 668km, cách thành phố Hồ Chí Minh 1039km và cách Đà Nẵng 90km.

Sơ lược lịch sử Huế

Huế từng thuộc về vương quốc Chăm vào thế kỷ 4 sau Công Nguyên. Mãi đến năm 1306, , Huế chính thức thuộc quyền cai trị của nước Đại Việt khi vua Champa dâng Châu Ô và Châu Lý (ngày nay là khu vực từ Nam Quảng Trị đến Quảng Nam) làm sính lễ để đổi lấy hôn ước với công chúa Huyền Trân dưới thời vua Trần Anh Tông. Sau đó, vùng đất này được đổi tên thành Thuận Hóa.

Vào thế kỷ 17, mâu thuẫn giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn xảy ra. Chúa Trịnh cai trị đàng Ngoài, chúa Nguyễn cai trị đàng Trong và lấy Thuận Hóa làm thủ phủ. Đến năm 1687, Chúa Nguyễn Phúc Thái ra lệnh xây dựng cung điện thành quách ở Phú Xuân – một làng ở tỉnh Thừa Thiên.

Sau cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn vào năm 1788, Phú Xuân trở thành kinh đô nhà Tây Sơn dưới sự cai trị của vua Quang Trung.

Vào năm 1802, Nguyễn Ánh – hậu duệ của Chúa Nguyễn – chiếm lại Phú Xuân và thống nhất đất nước. Ông lấy niên hiệu là Gia Long. Sau này, ông cho xây dựng lại thành và ngày nay được biết đến là kinh thành Huế.

Sau 143 năm trị vì của nhà Nguyễn, vào năm 1945, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và trao quyền cho chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi cách mạng tháng Tám thắng lợi.

Năm 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra trên toàn quốc, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, vv. Tuy rắng cuộc tiến công thắng lợi và góp phần làm lung lay ý chí chiến đấu của quân địch, nhưng Huế – với vị trí rất gần với khu vực giới tuyến giữa 2 miễn Nam Bắc, đã bị tàn phá nặng nề.

Ngày nay, sau nhiều nỗ lực phục dựng lại các di tích lịch sử, Huế đã trở thành một điểm du lịch phổ biến của Việt Nam. Du khách có thể khám phá lịch sử và văn hóa qua các điểm du lịch ở Huế như: quần thế di tích cố đô Huế, các lăng vua, cung điện,vv.

Xem thêm: Lịch trình phượt Hà Giang tự túc bằng xe máy chi tiết

2. Di chuyển tới Huế bằng cách nào?

Với vị trí nằm ở trung tâm của Việt Nam, bạn có thể di chuyển tới Huế bằng nhiều phương tiện từ bất kỳ tỉnh thành nào.

Bằng máy bay

Sân bay Phú Bài Huế cách trung tâm thành phố Huế 15km. Tại đây có các chuyến bay đên/đi Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Lạt và Đà Nẵng được vận hành bởi Bamboo Airways, Vietjetair, Vietnam Airlines và Hai Au Aviation.

Máy bay là phương tiện di chuyển thuận tiện và tiết kiệm thời gian nhất. Gía vé máy bay đi Huế cũng khá rẻ.

Bằng tàu hỏa

Địa chỉ ga Huế: số 2, đường Bùi Thị Xuân

Đi đến Huế bằng tàu hỏa cũng rất thuận tiện vì ga nằm ngay ở trung tâm thành phố Huế. Mỗi ngày cũng có rất nhiều chuyến tàu đi qua Huế.

Nếu bạn di chuyển từ Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh thì chuyến tàu đêm cũng là một sự lựa chọn hoàn hảo vì bạn sẽ mất tận 13 tiếng (từ Hà Nội) và 19 tiếng (từ Hồ Chí Minh) để tới Huế. Còn nếu bạn đi từ Đà Nẵng thì chỉ mất khoảng 3 tiếng đi tàu là tới ga Huế.

Bằng xe khách

Huế có 2 bến xe chính là bến xe phía Nam và bến xe phía Bắc. Hai bến xe này cung cấp nhiều tuyến xe đến hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam.

Ngoài ra, một số nhà xe cũng có điểm đón/ trả riêng tại trung tâm thành phố như Hạnh Café, Sinh Tourist, Phương Trang, vv. Các nhà xe này cũng có các chuyến đến/ đi các tỉnh như Hà Nôi, Hồ Chí Minh, Hội An, Đà Nẵng, vv.

3. Phương tiện đi lại ở Huế

Xe máy

Để khám phá hết các điểm du lịch ở Huế một cách thuận tiện và tiết kiệm nhất, bạn chắc chắn sẽ cần thuê xe máy. Dịch vụ thuê xe máy ở Huế có giá dao động từ 100-150k/ngày (chưa bao gồm xăng xe). Nếu bạn thuê xe máy của khách sạn thì giá sẽ nhỉnh hơn chút xíu (cao hơn khoảng 50-100k).

Trong lần Mai đi Huế thì Mai có thuê xe của bên Minh &Coco. Một chút nhận xét của Mai về Minh & Coco như sau: gía là 100k/ngày, xe hoạt động tốt, bạn chỉ việc gọi điện trước 1 tiếng và họ sẽ mang xe tới tận khách sạn cho bạn. Mình để lại số điện thoại cho bạn nào có nhu cầu nha: (84) 914 099 806.

Taxi/ grab

Nếu bạn đi cùng người cao tuổi hoặc bạn sợ nắng nóng thì taxi sẽ phù hợp hơn với bạn. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với taxi dù nha. Nếu đi taxi ở Huế, bạn nên chọn các hãng như: Mai Linh, Thành Đô, Thành Lợi, vv.

Hoặc bạn có thể đặt xe trên grab cho an tâm nghen.

Đặt xe đón sân bay riêng trên Klook giá rẻ TẠI ĐÂY

Xích lô

kinh-nghiem-di-cho-dong-ba-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-kinh-nghiem-du-lich-hue-1-ngay
Xích lô ở Huế

Xích lô hầu như chỉ phục vụ du khách thôi, nên giá chắc chắn sẽ đắt hơn các phương tiện còn lại. Nếu bạn muốn trải nghiệm thì có thể đi ra đường Lê Lợi để tìm các chú lái xích lô nha.

Một điều Mai không thích ở Huế là các chú xích lô mời chào quá nhiều và quá lâu. Cứ đi được 1 quãng lại có người mời chào. Nếu bạn không muốn đi thì tốt nhất cứ lờ đi thôi nha, không là các chú ấy sẽ càng đi theo.

Đi bộ

Thành phố Huế cũng khá nhỏ và các điểm thăm quan trong thành phố cũng rất gần nhau. Vì vậy, nếu bạn không ngại thì có thể đi bộ như Mai nè. Nhớ mang cả ô, nước, kem chống nắng nha, đặc biệt là vào mùa khô.

Mình gợi ý 2 lịch trình đi bộ như sau:

1 – Cầu Trường Tiên – chợ Đông Ba – Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

2 – Quần thể di tích cố đô Huế – khu này rất rộng nên bạn cần gần 1 ngày để khám phá hết nha.

4. Nên thuê khách sạn nào ở Huế?

Là một thành phố du lịch nổi tiếng nên Huế có rất nhiều khách sạn và nhà nghỉ để phục vụ khách du lịch. Mức giá cũng rất đa dạng, có thể chỉ từ 150.000VND/đêm cho 1 phòng ở hostel, cho đến 5.000.000VND/đêm cho phòng khách sạn 5 sao.

Về vị trí, bạn nên chọn khách sạn ở khu vực trung tâm thành phố Huế, tốt nhất là chọn khách sạn ở Huế gần sông Hương và cầu Trường Tiền vì đây là khu vực hội tụ nhiều điểm du lịch mà bạn có thể đi bộ tới.

Mình thì chọn một khách sạn 3 sao ở gần sông Hương, giá phòng là 600.000VND (mình đi mùa thấp điểm nên giá rẻ hơn bình thường). Dưới đây là thông tin để bạn tham khảo:

Tên khách sạn: The Sunriver Boutique Hotel

Địa chỉ: 15 Đội Cung, Phú Hội, thành phố Huề, Thừa Thiên Huế

Nhận xét: phòng khá sạch sẽ, giá cả hợp lý (chưa gồm ăn sáng), nhân viên thân thiện, nhưng thiết kế hơi cũ.

5. Đi Huế mùa nào đẹp?

Thời tiết ở Huế được chia làm 2 mùa: mùa khô và mùa mưa.

Mùa khô thường rơi vào khoảng tháng 2 đến tháng 8. Vào mùa khô, nhiệt độ ở mức từ 35-40 độ C và được chia ra làm 2 giai đoạn:

  • Từ tháng 2 đến tháng 4: đây là thời điểm tốt nhất để đi du lịch Huế vì thời tiết lúc này khá mát mẻ và không có nhiều mưa.
  • Từ tháng 5 trở đi: lúc này trời khá nóng, sẽ khá mệt khi phải đi bộ ở ngoài nhiều.

Mùa mưa ở Huế bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, trong đó, từ tháng 10 là vào mùa bão. Nếu bạn đi du lịch Huế vào mùa mưa thì nhớ kiểm tra dự báo thời tiết khi lên kế hoạch đi chơi nha.

Chốt lại thì đi Huế vào mùa khô vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 là lý tưởng nhất nha.

Klook.com

6. Các điểm du lịch ở Huế

Các điểm du lịch ở Huế vào ban ngày

Kinh thành Huế

.dan-ca-hue-tren-song-huong-pho-di-bo-nguyen-dinh-chieu-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-ve-tham-quan-hue
Đại Nội Huế

Đi du lịch Huế mà không đi kinh thành Huế thì quá phí rồi. Đây là điểm đầu tiên mà bạn cần ghi là kế hoạch du lịch của mình nha. Đến kinh thành Huế, không những bạn có thể thỏa sức sống ảo với vô vàn góc chụp đẹp nhức nhối, mà còn có thể học hỏi thêm kiến thức về lịch sử đó.

Kinh thành Huế là một quần thể di tích lịch sử được xây dựng vào triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, trong đó, đa số các di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993.

Kinh thành Huế được khởi công xây dựng vào năm 1804 theo lệnh của vua Gia Long. Tận đến năm 1833, dưới thời vua Minh Mạng, việc xây dựng toàn bộ công trình mới hoàn thành.

Quần thể di tích gồm 3 phần chính là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành.

Kinh thành được xây dựng từ năm 1805 đến 1832 với vòng tường thành có chu vi 10km với 10 cửa ra vào. Bên trong kinh thành có nhà của quan lại, nhà dân, và khu vực Hoàng thành. Khu vực này có chức năng phòng vệ và phục vụ sinh hoạt của triều đình và nhà vua với 24 pháo đài xung quanh.

Hoàng thành được xây dựng từ năm 1804 đến 1833 với hơn 100 công trình bao gồm cổng Ngọ Môn, điện Thái Hòa,Triệu Miếu, Thái Miếu, vv… và được bao bọc bởi vòng tường bao quanh cao 4 mét. Có 4 cửa để đi vào Hoàng thành nhưng cửa chính là cổng Ngọ Môn nằm ở phía nam. Hoàng Thành là nơi vua làm việc, họp với các quan đại thần và thờ cúng tổ tiên và các vị vua triều Nguyễn.

Tử Cấm thành là vòng thành trong cùng, nằm trong Hoàng thành. Đây là khu vực cho vua và hoàng gia sinh hoạt và giải trí. Hoàng thành và Tử cấm thành được được gọi chung là Đại Nội.

Kinh nghiệm bỏ túi:

  • Ngoài vé riêng lẻ thì ở quầy cũng có bán vé combo kêt hợp các điểm du lịch ở Huế (bao gồm: hoàng thành Huế, các lăng tẩm, cung An Định, đàn Nam Giao, điện Hòn Chén). Gía vé combo sẽ rẻ hơn vé mua riêng lẻ. 
  • Khu vực này thực sự rất rộng nên Mai khuyên bạn hãy dành cả 1 ngày để khám phá hết khu vực này. Nhớ mang quần áo và giày dép thoải mái nhé vì bạn sẽ phải đi bộ rất rất nhiều. Nếu chịu chi thì bạn có thể thuê hướng dẫn viên để khỏi lạc đường. Mình tự đi nên phải tự mày mò và …đã đi lạc… hix.

Giờ mở cửa:

Thứ 2 – Chủ Nhật: 8:00 – 17:30

Thứ 5: 8:00 – 22:00

Gía vé thăm quan: 150.000VND/ người lớn, 30.000VND/trẻ em (mua ở quầy bán vé ở trước cổng thành)

Các lăng tẩm ở Huế

Bên cạnh kinh thành Huế thì các lăng tẩm cũng là những điểm du lịch hot hit ở Huế nha.

Thời xưa, Vua được coi là thiên tử (tức người con của trời), vì vậy, lăng mộ của các vị vua thường được xây ở phía Tây của Kinh thành, biểu thị ‘’mặt trời mọc ở đằng đông, lặn ở đằng tây’’. Đó là lý do vì sao các lăng tẩm ở Huế đều nằm ở phía tây của Hoàng thành đó.

Ở Huế có rất nhiều lăng tẩm bao gồm lăng các chúa Nguyễn, lăng vua Quang Trung, và lăng của các vị vua triều Nguyễn. Trong số đó, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định là 3 lăng tẩm được du khách thăm quan nhiều nhất (cả 3 đều là vua triều Nguyễn). Tất cả các lăng đều được thiết kế bởi chính chủ của nó và thể hiện tính cách của mỗi vị vua thông qua kiến trúc lăng.

Lăng vua Minh Mạng

tour-du-lich-hue-3-ngay-2-dem-cac-diem-du-lich-o-hue-di-hue-mua-nao-dep
Lăng vua Minh Mạng – Huế

Vua Minh Mạng là vị vua thứ 2 của triều Nguyễn. Ông là một trong những vị vua tài giỏi nhất của triều đại này. Nhà vua đã tìm kiếm vị trí đặt lăng của mình trong vòng 14 năm và đã chọn ra vị trí đắc địa nhất là ở dưới chân núi Kim Phụng. Sau đó, lăng mộ được xây dựng bởi vua Thiệu Trị (người kế ngai vàng của vua Minh Mạng) từ năm 1840 đến năm 1843.

Thực sự Mai rất bất ngờ khi tới thăm lăng Minh Mạng vì không gian quá rộng đi (tổng diện tích là 500ha). Bên trong lăng có khoảng 40 công trình bao gồm cung điện, đền miếu, đài tạ,…được bố trí đối xứng.

Kinh nghiệm bỏ túi: Bên ngoài cổng soát vé có chỗ cho thuê audio thuyết minh, nhưng Mai thấy thông tin cũng không mấy chi tiết. Bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu về lăng Minh Mạng trên internet chứ không phải mất tiền thuê audio làm gì.

Địa chỉ: Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ thứ 2 – Chủ Nhật: 7:30 – 17:00

Gía vé thăm quan: 100.000VND/ người lớn, 20.000VND/ trẻ em

Lăng Tự Đức (Khiêm lăng)

kinh-nghiem-di-cho-dong-ba-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-kinh-nghiem-du-lich-hue-1-ngay
Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng)

Vua Tự Đức trị vì trong 35 năm từ năm 1848 – thời gian trị vì lâu nhất ở thời Nguyễn. Ông rất giỏi triết học, văn thơ và lịch sử, nhưng lại chưa thành công trong việc bảo vệ đất nước khỏi quân xâm lược.

Khiêm lăng được xây dựng từ năm 1864 đến 1867. Với tâm hồn của một thi sỹ, vua Tự Đức đã thiết kế lăng của mình là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và các công trình kiến trúc. Đây cũng là nơi nhà vua thường xuyên lui tới để làm việc, ngâm thơ và đọc sách.

Kinh nghiệm bỏ túi: Lăng Tự Đức nằm ngay gần làng hương Thủy Xuân nên bạn có thể tiện ghé qua làng Thủy Xuân nha.

Địa chỉ: thôn Thượng Ba, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ thứ 2 – Chủ Nhật: 7:00 – 17:30

Gía vé thăm quan: 100.000VND/ người lớn, 20.000VND/ trẻ em

Lăng vua Khải Định

tour-du-lich-hue-3-ngay-2-dem-cac-diem-du-lich-o-hue-di-hue-mua-nao-dep
Lăng vua Khải Định

Nếu lăng Minh Mạng và lăng Tự Đức mang đậm phong cách kiến trúc phương Đông thì lăng Khải Định lại hoàn toàn nổi trội với sự kết hợp tinh tế, sắc sảo giữa kiến trúc Á – Âu.

Mặc dù có diện tích khá nhỏ so với các lăng khác, nhưng chi phí xây dựng lăng Khải Định lại khá tốn kém với nhưng chi tiết được đặt mua về từ Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản.

Địa chỉ: đường Khải Định, Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ thứ 2 – Chủ Nhật: 7:00 – 17:30

Gía vé thăm quan: 100.000VND/ người lớn, 20.000VND/ trẻ em

Kinh nghiệm bỏ túi:

  • Nếu bạn muốn ăn trưa ở đây thì Mai khuyên chân thành là nên tự mang đồ ăn đi. Mình nghỉ trưa ở lăng Khải Định và thực sự rất thất vọng. Ở đây chỉ có 2-3 quầy bán đồ ăn, và cũng có ít sự lựa chọn, đồ ăn thì bình thường mà giá thì cao.
  • Nếu bạn đi vào mùa khô thì rất nóng. Bạn nên chuẩn bị nhiều nước, quần áo thoải mái và ô/ áo chống nắng đi nha.
  • Các lăng tẩm đều cách trung tâm thành phố Huế khá xa, để đi đến đây, bạn cần thuê xe máy hoặc taxi.

Xem thêm: Chơi gì ở Kuala Lumpur 1 ngày? Kinh nghiệm du lịch Kuala Lumpur tự túc

Chợ Đông Ba

kinh-nghiem-di-cho-dong-ba-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-kinh-nghiem-du-lich-hue-1-ngay
Chợ Đông Ba – Huế

Chợ Đông Ba là chợ lớn nhất ở Huế và được có tuổi đời đã hơn 100 năm. Chợ đã từng bị tàn phá 2 lần vào năm 1885 và 1967 bởi quân đội Pháp và Mỹ. Sau đó, chính quyền cho xây dựng lại chợ Đông Ba và mở rộng quy mô như ngày nay.

Vào chợ Đông Ba, bạn có thể dành thời gian mua sắm thỏa thích nhưng món đặc sản của Huế, quà lưu niệm, quần áo,… Nếu bạn muốn mua chút quà lưu niệm về cho người thân thì chắc chắn không thể bỏ lỡ chợ Đông Ba nhé.

Kinh nghiệm bỏ túi:  Bạn nên TRÁNH đi chợ Đông Ba vào khoảng 11:00 – 15:00 vì lúc này trong chợ RẤT NÓNG VÀ OI. Hơn nữa, các quầy hàng cũng đóng để nghỉ trưa. Mình khuyên bạn nên đi vào sáng sớm hoặc sau 16:00 nhé.

Địa chỉ: Phú Hòa, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ thứ 2 – Chủ Nhật: 6:30 – 20:00

Gía vé thăm quan: Miễn phí

Làng hương Thủy Xuân

 
san-bay-hue-cach-trung-tam-bao-xa-da-nang-cach-hue-bao-xa-san-bay-phu-bai-hue-khach-san-o-hue-gan-song-huong-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-mua-mua-o-hue-ve-tham-quan-hue
Làng Hương Thủy Xuân

Chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy những bức ảnh check-in lung linh với những bó hương rực rỡ màu sắc nhỉ? Đó chính là ở làng làm hương Thủy Xuân đó.

Ở Huế, lượng tiêu thụ hương trầm rất cao. Theo Mai quan sát thì có thể một phần là do Huế là một trung tâm Phật giáo ở Việt Nam với rất nhiều chùa chiền; một phần là do người Huế thờ cúng vong linh ở mọi nơi, bạn có thể để ý rằng người Huế thường thắp hương ở sân nhà, trước cửa, gốc cây và cả các góc đường. Chính vì thế mà mặc dù là một làng nghề truyền thống nhưng thu nhập của người dân ở đây rất ổn định. Điều đó khiến họ vẫn duy trì được làng nghề đến tận ngày nay.

Để thăm quan làng hương Thủy Xuân, bạn có thể đăng ký các tour trải nghiệm làm hương hoặc có thể tự túc khám phá làng nghề. Làng Thủy Xuần nằm rất gần lăng vua Tự Đức, bạn hãy sắp xếp lịch trình để đi 2 điểm này cùng một ngày nhé.

Chùa Thiên Mụ

dan-ca-hue-tren-song-huong-pho-di-bo-nguyen-dinh-chieu-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-ve-tham-quan-hue
Chùa Thiên Mụ – Huế

Chùa Thiên Mụ nằm ngay bên sông Hương, từ cổng chùa, bạn có thể nhìn thấy view ra dòng sông xứ Huế thơ mộng này, đã mắt lắm đó.

Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa lâu đời nhất ở Việt Nam, được xây dựng từ năm 1601 theo lệnh của chúa Nguyễn Hoàng. Biểu tượng nổi bật của chùa là tòa tháp Phước Duyên với 7 tầng (cao 21 mét). Tòa tháp này còn được biết đến như một biểu tượng của Huế và được đưa vào nhiều câu ca dao tục ngữ.

Kinh nghiệm bỏ túi: Ngoài đường bộ, bạn cũng có thể đi tới chùa Thiên Mụ bằng thuyền rồng. Ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Đình Chiều có rất nhiều người bán vé thuyền rồng, bao gồm cả tuyến đi ra chùa Thiên Mụ.

Địa chỉ: Hương Hòa, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ thứ 2 – Chủ Nhật: 8:00 – 18:00

Gía vé thăm quan: Miễn phí

Chùa Thiền Lâm

dan-ca-hue-tren-song-huong-pho-di-bo-nguyen-dinh-chieu-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-ve-tham-quan-hue
Chùa Thiền Lâm – Huế

Khác với các ngôi chùa khác ở Việt Nam (thường theo hệ Bắc tông), chùa Thiền Lâm mang lối kiến trúc thuộc hệ phái Nam tông. Bước vào ngôi chùa này, bạn cứ ngỡ mình đang thăm quan một ngôi chùa ở Myanmar hay Thái Lan vậy.

Chùa Thiền Lâm còn có tên khác là Chùa Phật đứng – Phật nằm bởi lẽ, ở bên trong ngôi chùa, có 1 pho tượng Phật đứng cao 8 mét và 1 pho tượng Phật nằm dài 7 mét.

Địa chỉ: 54 Lê Ngô Cát, Thủy Xuân, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Gía vé thăm quan: Miễn phí

Klook.com

Nhà vườn An Hiên

san-bay-hue-cach-trung-tam-bao-xa-da-nang-cach-hue-bao-xa-san-bay-phu-bai-hue-khach-san-o-hue-gan-song-huong-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-mua-mua-o-hue-ve-tham-quan-hue
Nhà Vườn An Hiên – Huế

Nhà vườn An Hiên là ngôi nhà vườn điển hình chỉ dành cho tầng lớp quý tộc ở Huế thời xưa. Đây đã từng là nhà của công chúa thứ 18 của vua Dục Đức – vị vua thứ 5 của nhà Nguyễn. Sau đó, ngôi nhà đã qua nhiều đời chủ; người chủ gắn bó với nhà vườn An Hiên lâu nhất là bà Đào Thị Yến. Bà đã thừa kế lại ngôi nhà sau khi chồng bà qua đời và sở hữu nó từ năm 1936 đến 1997.

Kinh nghiệm bỏ túi: Nhà vườn An Hiên có biểu diễn 2 tiết mục hát ca Huế trong ngày vào 9:00 – 10:15 và 15:00 – 16:15. Bạn có thể sắp xếp thời gian ghé qua thưởng thức dòng nhạc dân ca Huế nhé.

Địa chỉ: 58 Nguyễn Phúc Nguyên, Hương Long, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ thứ 2 – Chủ Nhật: 7:00 – 18:00

Gía vé thăm quan: 35.000VND/ người

Nhà lưu niệm Bác Hồ

nha-luu-niem-bac-ho-cac-diem-du-lich-o-hue-khach-san-o-hue-gan-song-huong-ve-tham-quan-hue- pho-di-bo-nguyen-dinh-chieu-hue-lang-tam-o-hue
Nhà lưu niệm bác Hồ

Đây là ngôi nhà bác Hồ và gia đình đã từng lưu trú khi bác còn nhỏ từ năm 1895 đến 1901. Bước vào ngôi nhà, bạn sẽ thấy bàn thờ bố mẹ bác Hồ và một số kỷ vật mà gia đình bác thường dùng khi còn ở đây.

Địa chỉ: 112 Mai Thúc Loan, phường Thuần Lộc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ Thứ 3 đến Chủ Nhật: 7:99 – 11:00 và 13:30 – 16:30

Gía vé thăm quan: Miễn phí

Cung An Định

cac-diem-du-lich-o-hue-khach-san-o-hue-gan-song-huong-ve-tham-quan-hue- pho-di-bo-nguyen-dinh-chieu-hue-lang-tam-o-hue
Cung An Định – Huế

Cung An Định được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1902 dưới thời vua Thành Thái. Vào năm 1917, vua Khải Định quyết định sửa sang lại cung điện theo phong cách hiện đại hơn và kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc Á Đông và Châu Âu.

Địa chỉ: 179 Phan Đình Phùng, Phú Nhuận, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ Thứ 2 đến Chủ Nhật: 7:00 – 17:00

Gía vé thăm quan: 50.000VND/người lớn, miễn phí cho trẻ em

Biển Thuận An

Mặc dù biển Thuận An không phải là bãi biển đẹp nhất ở Huế, nhưng lại gần trung tâm thành phố Huế nhất. Từ trung tâm thành phố Huế đi biển Thuận An chỉ tầm 30 phút (khoảng 15km), bạn hoàn toàn có thể đi về trong ngày. Nhưng vì Mai muốn tắm biển vào buổi sáng nên đã nghỉ qua đêm ở đó luôn.

Tuy chưa được khai thác du lịch nhiều, nhưng quanh đây có khá nhiều nhà hàng hải sản với giá cả phải chăng (khoảng 200k/người). Hầu như các nhà hàng đều rất đông khách, chắc là ngon mới đông đến thế.

Thuê phòng ở biển Thuận An Huế

Ở khu vực này không có nhiều khách sạn/ nhà nghỉ. Mai có tìm kiếm thì chỉ thấy tầm 3-4 nhà nghỉ và 1 khách sạn 5 sao thôi. Mình đã chọn ở nhà nghỉ Gia Bảo với giá 300.000VND/phòng 3 người. Phòng thì khá sạch sẽ, mà Mai chỉ ở 1 đêm nên cũng không đòi hỏi gì nhiều. Còn resort 5 sao tên là Ana Mandara resort, giá phòng ở đây khoảng 1.700.000VND/đêm.

Kinh nghiệm bỏ túi: Khi bạn tra google map thì hãy ghi tên của nhà nghỉ bạn định thuê nhé, tránh tìm kiếm “biển Thuận An”, google map sẽ dẫn ra 1 chỗ khá xa. Kinh nghiệm xương máu từ Mai đó. Mình đã bị lạc đường và mất tận 1 tiếng mới tìm ra chỗ mình cần đi.

Các điểm du lịch ở Huế vào buổi tối

Không những thu hút du khách bởi các điểm du lịch ở Huế vào ban ngày, Huế về đêm như khoác lên 1 màu sắc mới – màu của sự sôi động của một thành phố du lịch. Dưới đây là một số gợi ý khám phá thành phố Huế về đêm cho bạn.

Ăn tối tại nhà hàng nổi sông Hương

 
kinh-nghiem-di-cho-dong-ba-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-kinh-nghiem-du-lich-hue-1-ngay
Nhà hàng nổi Sông Hương

Xuất hiện khá nhiều trong các bức ảnh check-in du lịch Huế của du khách, nhà hàng nổi sông Hương được thiết kế như một bông hoa sen nổi trên mặt nước, không biết từ lúc nào đã trở thành một biểu tượng của Huế.

Vào buổi tối, nhà hàng còn nổi bật hơn khi đổi sắc liên tục. Ăn tối ở nhà hàng này không quá đắt (khoảng 200.000VND/người), nhưng đổi lại, bạn sẽ được thưởng thức nhạc sống và đặc biệt là view cực kỳ đẹp ra sông Hương và cầu Trường Tiền.

Địa chỉ: Lê Lợi, Phú Hội, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ Thứ 2 đến Chủ Nhật: mở cửa cả ngày

Trải nghiệm đi thuyền rồng trên sông Hương

dan-ca-hue-tren-song-huong-pho-di-bo-nguyen-dinh-chieu-di-hue-mua-nao-dep-cac-diem-du-lich-o-hue-ve-tham-quan-hue
Trải nghiệm thuyền rồng ở Huế

Thời xưa, thuyền rồng là phương tiện chỉ dành riêng cho nhà vua. Ngày nay, thuyển rồng chủ yếu dùng để phục vụ cho khách du dịch. Thuyền hoạt động cả ngày, nhưng Mai khuyên bạn nên đi buổi tối cho mát mẻ và cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của cầu Trường Tiền về đêm.

Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu Huế

Đây là con phố nằm bên cạnh dòng sông Hương, vào buổi tối, bạn có thể tới đây thưởng thức các tiết mục trình diễn đường phố hoặc đơn giản chỉ là ngồi chill tại quán café bên sông Hương.

Địa chỉ: Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ mở cửa: Từ Thứ 6 đến Chủ Nhật: 18:00 – 2:00am

Gía vé thăm quan: Miễn phí

Phố đi bộ Huế

Ngoài phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Huế vừa mở thêm 3 tuyến phố đi bộ khác ở đường Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão và Chu Văn An. Ở đây có vô vàn các quán ăn ngon, quầy bán đồ lưu niệm, quán bar và các tiết mục biểu diễn đường phố.

Giờ mở cửa: Từ Thứ 6 đến Chủ Nhật: 18:00 – 2:00am

7. Nên đi du lịch Huế mấy ngày?

Nên đi du lịch Huế mấy ngày? Câu trả lời còn phụ thuộc nhiều yếu tố như thời gian của bạn, ngân sách du lịch, hay ‘’gu’’ du lịch.

Nếu bạn có nhiều thời gian, thì Mai khuyên là bạn cần 5 ngày 4 đêm mới có thể khám phá hết các điểm du lịch ở Huế.

Nếu ngân sách và thời gian của bạn eo hẹp, bạn có thể đi khoảng 3 ngày để có thể ghé qua các điểm thăm quan nổi tiếng nhất như: kinh thành Huế, các lăng tẩm, trải nghiệm đi thuyền rồng,…

Còn nếu bạn thích đi du lịch để khám phá và học hỏi thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa thì bạn cần dành cho Huế ít nhất 5 ngày.

8. Lich trình du lịch Huế 4 ngày 3 đêm

Ngày 1:

Buổi sáng: check-in khách sạn, thăm quan nhà lưu niệm bác Hồ

Buổi chiều: khám phá chợ Đông Ba, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiều

Buổi tối: trải nghiệm đi thuyền rồng và nghe ca Huế trên sông Hương

Ngày 2:

Buổi sáng: thăm quan lăng Minh Mạng, Khải Định

Buổi chiều: ghé qua lăng Tự Đức, làng hương Thủy Xuân, chùa Thiền Lâm, chùa Thiên Mụ

Buổi tối: đi tới biển Thuận An, ở lại 1 đêm.

Ngày 3:

Buổi sáng: tắm biển Thuận An, sau đó về lại trung tâm thành phố Huế, thăm quan kinh thành Huế

Buổi chiều: nghỉ trưa rồi tiếp tục khám phá kinh thành Huế

Buổi tối: thưởng thức bữa tối tại nhà hàng nổi sông Hương, phố đi bộ Huế

Ngày 4:

Buổi sáng: thăm quan cung An Định, nhà vườn An Hiên

Buổi chiều: check-out khách sạn

9. Chi phí du lịch Huế

Chi phí du lịch Huế bao gồm phòng khách sạn, vé máy bay, chi phí đi lại, vé thăm quan, đồ ăn uồng, quà cáp,…Nhìn chung, du lịch Huế khống hề tốn kém. Chi phí cụ thể thì tùy vào mức chịu chi của từng người, nhưng Mai sẽ tiết lộ chi phí du lịch Huế của cá nhân mình để bạn có thể dự trù ngân sách.

Mình đi Huế 4 ngày 3 đêm và tốn khoảng 9.500.000VND/ 2 người (bao gồm vé máy bay). Mình bay từ Hà Nội theo hãng Vietjet, ở khách sạn 3 sao gần sông Hương, ăn uống bình dân, và thăm quan hết các điểm du lịch ở Huế (đợt mình đi được giảm 50% giá vé thăm quan tất cả các điểm du lịch ở Huế).

Klook.com

Trên đây là tổng hợp kinh nghiệm du lịch Huế khá đầy đủ của Mai. Mình hy vọng bài viết này hữu ích cho việc lên lịch trình du lịch Huế của bạn. Nếu bạn có câu hỏi gì thì hãy bình luận bên dưới nhé, Mai sẽ trả lời sớm nhất có thể.

du-lich-dao-phu-quy-cach-di-kinh-nghiem-review-chi-phi-lich-trinh-du-lich-phu-quy

WANT MORE?

SIGN UP TO RECEIVE THE LATEST USEFUL TRAVEL GUIDES

Share your thoughts

error:
%d bloggers like this: